CHO TÔI XIN MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ

TRƯỜNG THCS HÀ HỒI

Chương trình giới thiệu sách tháng 5 - 2024

Cuốn sách giới thiệu "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ"

Tác giả Nguyễn Nhật Ánh.

Description: thumbnail

Xin kính chào thầy cô và các bạn, để hưởng ứng ngày sách và văn hóa đọc 21/4 hôm nay thư viện nhà trường kết hợp cùng đội tuyên truyền măng non giới thiệu đến thầy cô và các bạn học sinh trong toàn trường cuốn sách “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Với độ dày 217 trang khổ 12x20 cm, cuốn sách gồm 12 chương, mỗi chương là những kỷ niệm đẹp đẽ, không thiếu phần duyên dáng đến buồn cười được tác giả khắc họa rất tinh tế mang đến cho độc giả một hành trình trở về tuổi thơ, nơi mà chúng ta có thể tìm lại những kỷ niệm đáng quý và những cảm xúc chân thật nhất. Tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là một trong những sáng tác thành công của ông và nhận được Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2010.

Thầy cô và các bạn thân mến! nhắc đến nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là nhắc đến tác giả của những câu chuyện viết về tuổi thơ. Tác phẩm của ông luôn đặc biệt và sức hút mạnh mẽ cho mỗi độc giả, tác phẩm “ Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” đã có sức lan toả mãnh liệt đến mỗi trái tim độc giả yêu sách. Một đời người ai cũng có tuổi thơ của riêng mình, có người thì tuổi thơ gắn bó với người thân, gia đình đầm ấm; có người thì tuổi thơ gắn bó với những người bạn, cùng nhau đi học, cùng nhau đi chơi, với những buổi trốn học bị đòn roi. Có như thế nào thì đó cũng là những hồi ức đẹp đẽ, rất đáng trân trọng. Cuốn sách mở đầu bằng một lời nhận xét về nhân vật chính là Mùi: “ Cuộc sống thật buồn chán và tẻ nhạt”, khi 8 tuổi chúng ta từng muốn được bay như chim,  điều này được thể hiện qua việc tác giả miêu tả kí ức khi còn 8 tuổi, nơi trẻ con thường có những ước mơ lớn lao và đặt ra nhiều câu hỏi về thế giới xung quanh. Tác giả sử dụng hình ảnh "muốn bay được như chim" để tượng trưng cho mong muốn tự do và khám phá, đặc biệt là trong trí tưởng tượng của trẻ con. Câu hỏi vì sao cũng là một phần quan trọng của sự hiếu kỳ và tò mò tự nhiên ở độ tuổi này. Bằng cách này, Nguyễn Nhật Ánh tạo ra một bức tranh mô tả về sự hồn nhiên và tưởng tượng của tuổi thơ, đồng thời có thể chứng minh sự kỳ diệu trong những điều nhỏ bé của cuộc sống... Tác giả đã tạo ra một thế giới đầy màu sắc và hài hước, nơi mà những câu chuyện về tuổi thơ, tình bạn, gia đình được kể lại một cách chân thực và đầy cảm xúc, xoay quanh bốn đứa trẻ trong cùng một khu xóm là con Tủn, con Tí Sún, thằng Hải Cò và thằng cu Mùi. Tác phẩm là những câu chuyện dở khóc dở cười bởi sự khác biệt về quan niệm giữa một bên là trẻ con, một bên là người lớn khiến chúng ta như đang sống lại tuổi thơ tươi đẹp. Đó là cách để đưa người đọc nhìn lại và trân trọng những khoảnh khắc trong quãng thời gian trẻ trung của mình. Những mẫu chuyện nhỏ trong cuốn sách này, gợi nhớ những kỹ niệm đẹp đẽ của chúng ta. Nó không chỉ là những ký ức buồn mà còn có những niềm vui. Những trò chơi dân gian thơ bé mà tôi hay chơi cùng lũ bạn trong cái xóm nghèo, giờ thì không còn thấy nữa. Nó đã được thay thành những trò chơi điện tử, trò chơi trên máy tính, điện thoại. Cuộc sống vốn hối hả và nhiều bộn bề lo toan, dẫu có ai đã lỡ quên mất tuổi thơ của mình rồi hãy đọc cuốn sách này, vì có thể những câu chuyện trong đó sẽ giúp bạn tìm được chính mình, bạn sẽ lại là chính mình trong những lần trốn học, những lần không ngoan ngoãn, những lần làm cho chính bố mẹ mình buồn. Cuốn sách không chỉ đưa chúng ta trở lại tuổi thơ mà còn giúp chúng ta nhìn nhận lại những giá trị quan trọng trong cuộc sống.… Cũng chính những hình ảnh đó đã giúp cho chúng ta có những thay đổi, những suy nghĩ tích cực hơn. Nguyễn Nhật Ánh đã tặng bạn đọc một tấm vé trên chuyến tàu đặc biệt để mỗi người chúng ta có thể lật lại trang sách thời gian nhuốm màu dĩ vãng này trở về dòng sông trong trẻo của tuổi thơ và gột rửa hết những bụi bặm, những bế tắc, những phù phiếm ở thế giới người lớn. Xin đừng vội nghĩ rằng đây chỉ là tác phẩm sáo rỗng, vô vị dành cho bọn trẻ con mà đánh mất đi cơ hội tìm về chính bản thân mình, tìm về chính bản chất đơn thuần nhất của cuộc sống, cũng như tác giả đã từng khẳng định “Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em. Tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Qua hành trình khôn lớn của những “bé con” đó, độc giả  như được chứng kiến một thước phim quay chậm lúc thì mờ ảo, nhiễu loạn nhưng có lúc hình ảnh về ngày tháng tuổi thơ lại hiện lên rõ nét, sinh động ngỡ như mới chỉ ngày hôm qua. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng đã nêu triết lý “Để sống tốt hơn đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn”.


1. NGUYỄN NHẬT ÁNH
    Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ: Truyện/ Nguyễn Nhật Ánh..- Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Trẻ, 2010.- 217 tr.; 21cm.
     Chỉ số phân loại: 895.9223 NNA.CT 2010
     Số ĐKCB: TK.00019,

Đây thực sự là một cuốn sách rất hay, ý nghĩa và nhân văn. Đúng như tên gọi của nó, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” thực sự là một tấm vé, là cơ hội cho chúng ta, ai đã từng là trẻ thơ cũng được một lần nữa trở về quá khứ. Cuốn sách này hiện cũng đang có tại thư viện nhà trường được mang số đăng ký cá biệt (TK.00019) rất mong được phục vụ thầy cô và các bạn. Buổi giới thiệu sách đến đây là hết xin chào và hẹn gặp lại thầy cô và các bạn trong buổi giới thiệu sách lần sau.